Trong vài năm trở lại đây, các sàn giao dịch phi tập trung (DEX) đang bùng nổ mạnh mẽ, đặc biệt với sự xuất hiện của công nghệ mới mang tên AMM. Đây được biết đến là cơ chế tạo độ thanh khoản cao cho sàn giao dịch tiền điện tử, đồng thời cho phép tất cả người dùng tham gia vào quá trình tạo lập thị trường. Vậy AMM là gì? AMM hoạt động như thế nào? Hãy cùng USNepalOnline.Com tìm hiểu trong bài viết này nhé!
AMM là gì?
AMM là viết tắt của Automated Market Maker, dịch là công cụ tạo lập thị trường tự động hay nhà tạo lập thị trường tự động. Đây là một giao thức sàn giao dịch phi tập trung (DEX) dựa trên công thức toán học để định giá tài sản.
Khác với các sàn giao dịch truyền thống sử dụng cơ chế sổ lệnh (order book), các sàn DEX dựa trên AMM không sử dụng các lệnh Buy/Sell, đồng thời các nhà giao dịch không cần tìm đối tác (nhà giao dịch khác) để thực hiện giao dịch.
Thay vào đó, các sàn AMM là những smart contract thực hiện các cuộc đàm phán và giao dịch.
- AMM tạo ra các Liquidity Pool (Bể thanh khoản) cho phép người dùng đóng góp token của mình vào đó và nhận được phí thưởng.
- Thông qua các Bể thanh khoản, nhà giao dịch (trader) có thể swap (hoán đổi) 2 token của mình, chẳng hạn ETH/DAI theo một tỷ lệ nhất định được xác định theo công thức tính toán.
Sự ra đời của AMM đã giải quyết được vấn đề thanh khoản của các sàn giao dịch trước đó, đồng thời tạo ra giao dịch hoàn toàn tự động và loại bỏ sự góp mặt của bên thứ ba.
Hiện AMM đang được sử dụng ở nhiều sàn DEX phổ biến như Uniswap, Pancakeswap, Sushiswap, Bancor…
Tại sao AMM ra đời?
AMM ra đời trong bối cảnh các sàn giao dịch tiền điện tử đang bùng nổ, tuy nhiên chúng gặp phải nhiều vấn đề như tính thanh khoản và khả năng tiếp cận với những token kém phổ biến. Trong bối cảnh đó giao thức AMM đã ra đời và được xem như cứu cánh của công nghệ sàn giao dịch phi tập trung. Dưới đây là những vấn đề mà AMM đã giải quyết:
- Vấn đề thanh khoản của cơ chế sổ lệnh:
Trước đây, các sàn DEX thường được xây dựng trên cơ chế sổ lệnh (order book) trên mạng Ethereum như sàn EtherDelta… Tuy nhiên những sàn nay lại gặp phải vấn đề về thanh khoản.
Cụ thể trên các sàn sổ lệnh, để thực hiện giao dịch thì người dùng cần trả phí gas và phải chờ miner xác nhận thông tin trước khi thêm vào blockchain. Điều này khiến mỗi lệnh được xử lý khá tốn kém về thời gian, tiền bạc. Đặc biệt khi mạng Ethereum thường xuyên xảy ra tình trạng tắc nghẽn khiến số lượng giao dịch hoàn thành khá thấp.
Ngoài ra để trở thành nhà cung cấp thanh khoản trên sàn đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật rất cao.
Với các sàn DEX AMM, vấn đề thanh khoản đã được xử lý nhờ vào quy trình hoàn toàn tự động cho phép bất kỳ người dùng nào cũng có thể tham gia cung cấp thanh khoản.
- Khả năng tiếp cận với những token kém phổ biến:
Theo thống kê thì hiện nay chỉ khoảng 10% các loại coin, là những coin top được giao dịch thường xuyên. Trong khi đó 90% coin còn lại có khối lượng giao dịch khá thấp. Điều này được gọi là hiện tượng “đuôi dài” trong kinh tế học.
Trong biểu đồ trên thì chúng ta có thể thấy màu xanh lá cây đại diện cho những coin top được giao dịch thường xuyên với khối lượng giao dịch lớn. Điều này là bởi vì chúng được niêm yết và giao dịch trên các sàn giao dịch tập trung (CEX).
Phần màu vàng là những coin còn lại với khối lượng giao dịch thấp hơn rất nhiều. Mặc dù không phổ biến như những coin top nhưng chúng vẫn được nhiều nhà đầu tư chọn lựa. Tuy nhiên nhiều đồng coin này bị các sàn CEX “từ chối”. Đó là lý do mà sàn DEX AMM ra đời để giúp các nhà giao dịch dễ dàng tiếp cận và trao đổi những loại coin kém phổ biến này.
Cách thức hoạt động của AMM
AMM hoạt động khá giống với sàn DEX sổ lệnh, trong đó cũng có các cặp giao dịch như ETH/DAI. Tuy nhiên, thay vì tương tác với một đối tác (nhà giao dịch) khác để thực hiện giao dịch, bạn sẽ tương tác với hợp đồng thông minh – bên sẽ tạo ra thị trường cho bạn.
Trên các DEX sổ lệnh, giao dịch diễn ra ngang hàng (P2P) trực tiếp giữa các ví của người dùng. Trong khi đó giao dịch trên AMM là P2C (peer-to-contract).
Vì không có sổ lệnh nên AMM cũng không có các loại lệnh như buy/sell. Thay vào đó, bạn sẽ nhận được tài sản mà mình muốn mua/bán được xác định theo công thức. Điều đó có nghĩa là AMM hoạt động bằng cách sử dụng một công thức toán học để xác định giá trị của cặp giao dịch có trong Bể thanh khoản.
1. Công thức toán học đằng sau AMM
Tùy theo sàn giao dịch mà công thức toán học có thể khác nhau. Tuy nhiên công thức phổ biến của AMM là: x*y=k
Trong đó:
- x, y là số lượng của các token trong Bể thanh khoản.
- k là tích số của x và y, và là hằng số.
AMM đóng vai trò như trung gian tự động định giá giữa 2 loại tài sản (token) cho bạn. Để hiểu rõ hơn về điều này, ta sẽ đi đến ví dụ sau đây:
Ban đầu nhà cung cấp thanh khoản khởi tạo một Bể thanh khoản gồm cặp ETH/DAI với mức giá: 1 ETH = $450 và 1 DAI = $1. Trong 1 Bể cần đảm bảo tổng giá trị của 2 token phải luôn bằng nhau. Vậy nếu ta khởi tạo Bể có 10 ETH thì cần phải thêm vào 4500 DAI.
Thay vào công thức (*) thì: x = 10, y = 4500. Suy ra: k = 10 * 4500 = 45,000.
Bây giờ Alice muốn swap để lấy ra 1 ETH từ Bể. Sau khi hoàn thành giao dịch thì Bể còn 9 ETH. Vì k không đổi nên lúc này Bể sẽ có: 45,000 : 9 = 5000 DAI.
Ta tóm tắt trong bảng sau:
Số lượng ETH (x) | Số lượng DAI (y) | Hằng số k | |
Ban đầu | 10 | 4500 | 45,000 |
Lấy ra 1 ETH | 9 | 5000 | 45,000 |
Như vậy, khi Alice thực hiện giao dịch, cô ấy đã tăng phần DAI và giảm phần ETH của Bể. Đồng nghĩa với việc mỗi khi ETH được mua thì giá ETH sẽ tăng lên, bởi tổng thanh khoản (k) không đổi, cụ thể:
- Ban đầu: 1 ETH = 450 DAI
- Sau khi lấy ra 1 ETH, giá của ETH trong Pool: 1 ETH = 5000 : 9 = 555.555 DAI
Từ ví dụ này thì chúng ta đã thấy cách AMM hoạt động nhằm điều chỉnh giá token phù hợp nhu cầu thị trường. Điều này cũng hoàn toàn tuân theo quy luật kinh tế khi đảm bảo sự khan hiếm đi kèm với giá trị của tài sản.
2. Liquidity Pool (Bể thanh khoản)
Trên sàn DEX AMM, nhà cung cấp thanh khoản (LP) gửi tiền mã hóa của mình vào một nơi được gọi là Bể thanh khoản. Đổi lại, họ sẽ được nhận được phí khi tài trợ cho các Bể này, chủ yếu được trích ra từ phí giao dịch trong Bể.
Các sàn khác nhau lại có yêu cầu tài trợ khác nhau. Ví dụ với sàn Uniswap, các LP gửi vào 2 loại token như ETH/DAI và tỷ lệ mỗi token là 50%. Lý do LP cần làm điều này nhằm đảm bảo số lượng 2 loại token tương đương nhau, giúp công thức AMM (x * y = k) luôn được duy trì. Nếu x hoặc y bằng 0 nghĩa là không có ETH hoặc DAI thì k = 0, phương trình hoàn toàn vô nghĩa.
Để tăng khối lượng tài sản trong Bể nhằm tránh tình trạng trượt giá, các sàn chấp nhận bất kỳ ai cũng có thể trở thành nhà cung cấp thanh khoản. Một số sàn như Uniswap còn cung cấp mức tỷ lệ thưởng cho các LP như nhau là 0.3%, bất kể họ đóng góp bao nhiêu tài sản vào Bể.
Ưu và nhược điểm của Automated Market Maker
Cơ chế AMM tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ sàn giao dịch phi tập trung (DEX). Tuy nhiên, AMM cũng có những nhược điểm chẳng hạn như tổn thất tạm thời với những người đóng góp thanh khoản. Dưới đây là phân tích rõ hơn về những ưu, nhược điểm của AMM.
1. Ưu điểm
Với các trader:
- Giao dịch hoàn toàn tự động và không có sự tham gia của bên thứ ba: AMM sử dụng sử dụng công thức toán học dựa trên smart contract để duy trì thương lượng công bằng giữa hai bên. Nói cách khác, AMM là các hợp đồng thông minh thực hiện các cuộc đàm phán và giao dịch mà không cần sổ lệnh.
- Thông tin người dùng được ẩn danh: Nhà giao dịch trên sàn DEX AMM không phải tiết lộ thông tin cá nhân của mình cho sàn hay bất kỳ bên thứ ba nào. Không có xác minh danh tính (KYC) nào được yêu cầu, bạn chỉ cần một ví điện tử kết nối đến sàn là có thể thực hiện giao dịch hoặc trở thành nhà cung cấp thanh khoản.
- Thông tin giao dịch minh bạch: Thông tin giao dịch được lưu trữ trên Blockchain và bạn hoàn toàn có thể truy xuất thông tin bất cứ lúc nào.
- Độ bảo mật cao: Cơ chế AMM dựa trên smart contract nên việc xảy ra sự cố do con người là rất khó. Hơn nữa DEX AMM dường như không thể bị tấn công do hacker phải chiếm quyền kiểm soát đa số mạng, và xét về khía cạnh kỹ thuật thì đây là điều không thể xảy ra.
Với các nhà cung cấp thanh khoản:
- Cơ hội để gia tăng thu nhập: AMM cho phép bất kỳ người dùng sở hữu token đều có thể trở thành nhà cung cấp thanh khoản và nhận được phần thưởng hấp dẫn.
2. Nhược điểm
Với các trader:
- Có thể mua phải những token lừa đảo: Việc tạo ra 1 Bể thanh khoản trên sàn DEX AMM không hề khó khăn. Và nhiều kẻ xấu đã lợi dụng điều này để đưa những scam token lên thị trường – thường với tên giống hoặc na ná với tên token chuẩn, nhằm lừa đảo các nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm.
- Phí giao dịch khá cao: Đa số các sàn AMM hiện được triển khai trên Ethereum với cơ chế tính phí gas phụ thuộc vào khối lượng giao dịch và lưu lượng mạng. Với những trường hợp mạng Ethereum bị tắc nghẽn – điều không hề hiếm gặp, đã khiến các nhà giao dịch phải trả phí rất cao và đợi thời gian rất lâu để hoàn thành. Tuy nhiên vấn đề này dường như sẽ được giải quyết vì các AMM gần đây được triển khai trên các Blockchain mới có phí giao dịch thấp và tốc độ giao dịch cao như Solana, Avalanche, Cardano…
Với các nhà cung cấp thanh khoản:
- Nguồn phí thưởng bị giới hạn: Phí thưởng của các nhà cung cấp thanh khoản được lấy từ phí giao dịch trong Bể, được chia sẻ dựa trên tỷ trọng tài sản mà họ đóng góp trong Bể. Trong trường hợp số lượng giao dịch ít hơn hoặc số lượng LP nhiều hơn thì chắc chắn mỗi LP sẽ nhận được phí thưởng thấp hơn.
- Tổn thất tạm thời (Impermanent loss): Tổn thất tạm thời hiểu đơn giản là sự chênh lệch giá giữa việc bạn đóng góp tiền mã hóa của mình vào Bể thanh khoản và việc bạn giữ (hold) tiền mã hóa đó. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, hầu hết việc cung cấp thanh khoản cho các sàn DEX đều xảy ra tổn thất tạm thời. Sự chênh lệch giá càng lớn thì tổn thất tạm thời càng lớn và khi đó LP nên ưu tiên hold token hơn là bơm thêm tiền vào bể thanh khoản. Đó là lý do mà AMM hoạt động tốt nhất với các cặp token có giá trị ổn định như stable coin. Tuy vậy, các bể thanh khoản trên sàn Uniswap như ETH/DAI dù có những tổn thất tạm thời vẫn giúp LP có lãi nhờ phí giao dịch lớn mà sàn tạo ra.
Kết luận
AMM là một công nghệ cốt lõi đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong lĩnh vực tài chính phi tập trung (DeFi). Là một cơ chế độc đáo, AMM thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các sàn DEX, cho phép tất cả người nắm giữ tiền mã hóa tham gia tạo lập thị trường một cách hiệu quả và liền mạch. Dù vẫn còn những hạn chế nhưng chúng ta có thể tin tưởng vào những cải tiến của AMM trong tương lai dựa trên những tác động to lớn mà nó đã tạo ra.
Qua bài viết trên, hy vọng đã giúp bạn đọc nắm được AMM là gì cùng những kiến thức căn bản liên quan đến AMM.
>>>> Có thể bạn quan tâm: